Phân bón là “thức ăn” do con người bổ sung cho cây trồng. Trong phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các chất dinh dưỡng chính trong phân là: đạm (N), lân (P), và kali (K). Ngoài các chất trên, các loại phân bón còn có các nhóm nguyên tố vi lượng…Phân bón được chia làm 3 nhóm chính: phân hữu cơ, phân hóa học (phân vô cơ) và phân vi sinh, với sự khác biệt lớn giữa chúng là nguồn gốc, chứ không phải là những sự khác biệt trong thành phần dinh dưỡng.
1.Các loại phân bón hữu cơ
Khái niệm phân bón hữu cơ
Là những hợp chất có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng. Được hình thành từ chất thải động vật, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, các chất thải sinh hoạt,… Sử dụng phổ biến trong nông nghiệp giúp cải tạo đất, tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất. Cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển lâu dài của cây. Đồng thời giúp cây hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng tự nhiên. Hơn thế nữa giúp cải tạo môi trường đất xung quanh cây trồng. Góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng.

Phân loại
Phân bón hữu cơ được chia thành 2 loại: Phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ công nghiệp
- Phân hữu cơ truyền thống: phân chuồng, phân rác, phân xanh,… Hình thành từ các nguyên liệu truyền thống: chất thải vật nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ, than bùn,….Xử lý theo quá trình ủ hoại mục. Chủ yếu dùng để bón lót khi làm đất
- Phân hữu cơ công nghiệp: phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng. Được hình thành từ các nguyên liệu công nghiệp, có sự tham gia của một số vi sinh vật có ích. Xử lý theo quy trình lên men công nghiệp. Chủ yếu dùng bón lót và bón thúc
Tác dụng các loại phân bón hữu cơ
Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng bền vững cho cây. Giúp cây trồng phát triển ổn định và cân đối. Tăng hàm lượng dinh dưỡng nông sản, an toàn cho người dùng. Cung cấp chất mùn cho đất, tăng dưỡng chất, cải tạo môi trường đất xung quanh, cân bằng hệ sinh vật. Chất mùn trong phân làm tăng tính kết cấu đất, bảo vệ cấu trúc đất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất. Cải tạo môi trường đất xung quanh, cải thiện lý, sinh, hóa của đất trở nên tốt hơn, tăng độ màu mỡ, phì nhiêu cho đất. Bảo vệ môi trường xung quanh do các chất tự phân hủy vào đất, không gây độc hại cho sức khỏe người dùng và các sinh vật xung quanh.
2. Các loại phân bón vô cơ
Khái niệm phân bón vô cơ
Phân bón vô cơ (phân hóa học) hay còn gọi là phân bón khoáng, phân bón hóa học là những chất vô cơ (hóa học) có chứa từ một hoặc nhiều các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết dưới dạng muối khoáng được bón vào đất cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Phân loại
- Phân đạm là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp đạm cho cây. Bón đạm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, làm cho cây ra nhiều nhánh, phân cành, ra lá nhiều; lá cây có kích thước to, màu xanh; lá quang hợp mạnh, do đó làm tăng năng suất cây. Gồm những loại thường dùng sau: Phân urê, Phân amoni nitrat, Phân amoni sunphat, Phân amoni clorua, Phân Xianamit canxi, Phân amoni photphat
- Phân lân tham gia vào thành phần các enzim, các prôtêin, tham gia vào quá trình tổng hợp các axit amin. Kích thích sự phát triển của rễ cây, làm cho rễ ăn sâu vào đất và lan rộng ra chung quanh. Giúp tạo thêm điều kiện cho cây chống chịu được hạn và ít đổ ngã. Lân kích thích quá trình đẻ nhánh, nảy chồi, thúc đẩy cây ra hoa kết quả sớm và nhiều. Giúp cây chống chịu với các yếu tố không thuận lợi. Phân lân gồm các loại phôtphat nội địa, apatit, Supe lân, Tecmô phôtphat, Phân lân kết tủa
- Phân Kali có vai trò chủ yếu trong việc chuyển hoá năng lượng trong quá trình đồng hoá các chất dinh dưỡng của cây. Kali làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với các tác động không lợi từ bên ngoài và chống chịu đối với một số loại bệnh. Kali tạo cho cây cứng chắc, ít đổ ngã, tăng khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét. Kali làm tăng phẩm chất nông sản và góp phần làm tăng năng suất của cây.
Tác dụng các loại phân bón vô cơ
Phân bón vô cơ kích thích nhanh sự phát triển của cây. Giúp cây hấp thụ đầy đủ các dưỡng chất từ phân, các chất khoáng, giúp cây phát triển ổn định. Tuy nhiên chi phí khi dùng phân vô cơ khá cao, gây ô nhiễm môi trường đất. Để bảo vệ môi trường nên hạn chế sử dụng phân vô cơ khi không cần thiết.
3. Các loại phân bón vi sinh
Khái niệm
Phân bón vi sinh là loại phân bón có chứa các vi sinh vật có ích. Được dùng bón vào đất khi canh tác trồng cây. Phân bón cung cấp các chất giúp đất phân giải các chất đạm, các chất dinh dưỡng giúp cây hấp thụ cây dưỡng chất, vitamin,…

Phân loại
- Phân bón VSV cố định đạm
- Phân bón VSV chuyển hóa và phân giải lân (photpho)
- Phân bón VSV phân giải chất mùn/ hợp chất hữu cơ (xenlulozo)
- Phân bón VSV kích thích, điều hòa tăng trưởng cây
- Phân bón VSV phân giải silicat
- Phân bón vi sinh tăng cường hấp thu photpho, Kaili, sắt, mangan cho thực vật
- Phân bón vi sinh ức chế VSV gây bệnh
- Phân bón vi sinh chất giữ ẩm polysacarit
Tác dụng
Phân bón vi sinh rất dễ sử dụng, có thể bón trực tiếp vào đất hoặc trộn chúng với hạt giống, tẩm vào hạt hoặc rễ trước khi gieo trồng. Ngày nay, nhu cầu sử dụng phân vi sinh là rất lớn vì có thể thay thế các loại phân hóa học. Giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường, cân bằng môi trường đất xung quanh cây. Cung cấp dinh dưỡng, khoáng chất giúp cây phát triển ổn định lâu dài
Mỗi loại phân bón đều có những lợi ích nhất định với cây trồng. Tùy mỗi loại và đặc tính của phân mà sử dụng cho phù hợp. Hiên nay với những dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ ưu tiên các nông sản sạch, được trồng từ sản phẩm nông nghiệp sạch. Những sản phẩm ấy giúp nhẹ công lao động, tiết kiệm nhiều chi phí hơn cho nông dân. Và khi nông nghiệp phát triển sẽ có càng nhiều sản phẩm phục vụ tốt cho nông nghiệp hơn.
Xem thêm: