Bón phân là một trong những biện pháp kỹ thuật giúp tăng năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phân bón cũng chiếm phần chi phí cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp. Vì vậy phải bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng như thế nào, sau đây cùng tìm hiểu với phanvisinh.vn nhé.
Bón phân cân đối, hợp lý là gì?
Bón phân cân đối, hợp lý là cung cấp cho cây trồng đúng những chất dinh dưỡng thiết yếu mà nó cần. Ngoài ra phải đủ liều lượng, tỷ lệ thích hợp, bón đúng thời điểm cho từng đối tượng cây trồng, loại đất hay mùa vụ cụ thể để đảm bảo năng suất cây trồng.
Để hiểu sâu hơn, tiếp theo chúng ta tìm hiểu cụ thể từng nội dung bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng.
Nội dung bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng
Bón đúng đối tượng
Bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, đối tượng của việc bón phân là cây trồng.
Tuy vậy, mặt khác cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng nhất là các nguyên tố vi lượng được cung cấp cho cây thông qua các vi sinh vật đất. Nhờ việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí của các vi sinh vật đất. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của các vi sinh vật đất. Trong trường hợp này thay vì bón phân nhằm vào đối tượng là vi sinh vật trong đất.
Trong một số trường hợp khi bón phân càng nhiều cây sinh trưởng và phát triển càng tốt lại tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh hại phát triển. Ở những trường hợp này, bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích luỹ và gây hại của sâu bệnh.
Ngoài ra bón phân còn có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng với điều kiện khắc nghiệt hay với sâu bệnh hại. Như kali là một ví dụ điển hình. Vì vậy bón phân không phải lúc nào cũng để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngược lại là phải kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây, mà sẽ làm tăng tính chống chịu của cây.
Đúng liều lượng
Mỗi loại phân bón sẽ phát huy hiệu quả làm tăng năng suất chất lượng cây trồng ở một liều lượng nhất định.
Liều lượng phân bón nên sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nếu bón phân quá liều lượng có thể làm giảm khả năng chống chịu của cây trồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại nặng. Và tác động tiêu cực của phân bón đến môi trường.
Ngược lại nếu bón phân không đủ liều lượng sẽ làm giảm hiệu lực phân bón. Ảnh hưởng đến năng suất chất lượng sản phẩm cây trồng không cao.
Vì vậy cần phải bón phân đúng liều lượng cho từng loại cây trên từng loại đất và từng thời điểm.
Xem thêm: https://namix.vn/tac-hai-cua-phan-bon-hoa-hoc/
Đúng loại đất
Các yếu tố dinh dưỡng trong đất có tác động qua lại khác nhau. Khi thì tương hỗ, đối kháng và có liên quan chặt chẽ đến độ phì nhiêu của đất. Nên cần lưu ý khi sử dụng các loại phân bón khác nhau đến từng loại đất khác nhau.
Theo kết quả nghiên cứu thuộc Chương trình BALCROP/IPI-PPI-PPIC tại các vùng của Việt Nam (Nguyen Van Bo, E.Mutert, Cong Doan Sat, 2003). Khi xác định các công thức bón phân cân đối cho cây trồng loại đất thì:
- Đối với đất phèn, đất dốc, chua: cần lưu ý bón phân cân đối giữa đạm và lân. Hiệu lực của đạm chỉ phát huy khi bón trên nền có phân lân.
- Đối với đất nghèo kali: cần lưu ý bón phân cân đối giữa đạm và kali. Hiệu lực phân đạm có thể tăng lên gấp 2 lần khi có bón kali.
- Đối với đất thiếu hụt các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng và vi lượng thì cần bón phân cân đối giữa trung lượng, vi lượng và đa lượng. Do đó, nên bổ sung các loại phân có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng sẽ cho hiệu quả cao nhất.
- Ngoài ra đất chua thì không nên bón các loại phân axit. Ngược lại đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.
Bón đúng thời điểm
Nhu cầu của cây với các chất dinh dưỡng thay đổi tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển theo từng mùa vụ. Có giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.
Bên cạnh đó cũng cần phải căn cứ vào tình hình thời tiết để để điều chỉnh thời điểm bón phân cho hợp lý. Như vậy mới nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón.
Bón đúng cách
Có nhiều cách bón phân khác nhau như: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, bón vào gốc, hoà vào nước phun lên lá, v.v…
Cách bón như thế nào còn tùy thuộc vào loại phân bón, dạng phân bón, thời kỳ bón hay điều kiện canh tác.
Việc chọn cách bón thích hợp cho cây trồng, có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và tiết kiệm được chi phí bón phân.
Bón phân cân đối
Cây trồng cần các chất dinh dưỡng ở những lượng và tỷ lệ giữa các chất nhất định. Việc thiếu hoặc thừa một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém.
Các nguyên tố dinh dưỡng có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.
Đối với mỗi loại cây trồng, mỗi loại đất khác nhau thì cần tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng.
Bón phân không cân đối sẽ không phát huy được tác dụng của từng loại phân. Ngoài ra còn gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến cây trồng và với môi trường.
Tác dụng của việc bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng
- Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của chất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.
- Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.
- Tăng phẩm chất nông sản.
- Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Với những chia sẻ về bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng, phanvisinh.vn hy vọng sẽ giúp cho các bạn biết cách bón phân hợp lý cho cây trồng của bạn.
Nguồn tham khảo: “Tài liệu tập huấn khảo nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn và hướng dẫn sử dụng phân bón – Bộ NN&PTNT.