Những ai đam mê làm vườn không thể nào không sử dụng phân hữu cơ cho khu vườn của mình. Vì sao loại phân bón này lại được ưa chuộng đến vậy? Hãy cùng phân vi sinh điểm qua các ưu điểm của phân hữu cơ đối với cây trồng nhé!
Ưu điểm của phân hữu cơ
Các ưu điểm của phân hữu cơ:
- Đa số các loại phân hữu cơ đều có hàm lượng chất hữu cao, cung cấp cho cây trồng.
- Cải tạo đất bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng, làm thay đổi cấu trúc đất, giúp đất tơi xốp hơn
- Cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách an toàn, ít gây ngộ độc, sốc phân cho cây
- Không làm chua đất, cân bằng pH
- Tăng cường hiệu quả sử dụng phân hóa học
- Tạo điều kiện cho vi sinh vật đất phát triển
- Rẻ, tận dụng được các nguồn hữu cơ tại chỗ
- Góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái
- Giảm xói mòn đất
Phân hữu cơ có nhiều ưu điểm là thế, nhưng những ưu điểm này phát huy khi bạn sử dụng đúng cách.
Nếu phân hữu cơ được sử dụng tại chỗ không cần những yêu cầu cao về mặt chế biến thì khá thuận tiện. Tuy nhiên, phân hữu cơ thương mại thì cần phải được xử lý tốt.
Phân bón phải khô, trộn đều, kết thành dạng viên, trung tính, cần bổ sung thêm những chất dinh dưỡng nhất định (các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng), và không được chứa nguồn bệnh, độc chất.
Xem thêm: Phân hữu cơ gồm những loại nào? Ưu và nhược điểm của từng loại
Các loại phân hữu cơ thường gặp
Vật liệu hữu cơ sử dụng làm phân bón:
- Những vật liệu hữu cơ có trong tự nhiên như than bùn
- Những chất thải trong nông nghiệp
- Dư thừa cây trồng (rơm rạ, mụn dừa, bánh dầu, cành lá,…)
- Phân, chất thải gia cầm, gia súc
- Phân ủ – phân compost (hỗn hợp dư thừa của thực vật, các loại phân gia súc)
- Các loại phân xanh (cây họ đậu hay các loại cây trồng khác được vùi vào trong đất).
- Phế phẩm trong ngành chế biến nông lâm sản như: trong chế biến bột giấy, dầu thực vật, chế biến gỗ (mụn cưa,mụn dừa,…), chế biến đường, chế biến bia
- Chất thải của chế biến giết mổ như máu, sừng, lông, bột xương,…
- Chất thải đô thị như bùn cống, chất thải sinh hoạt,…
- Phân vi sinh (các chủng vi sinh vật đất)
Các loại phân hữu cơ :
- Phân chuồng là nguồn cung cấp dinh dưỡng tự nhiên có khối lượng rất lớn. Nó là nguồn tăng cường hàm lượng chất hữu cơ trong đất rất có giá trị. Khi bón phân chuồng hợp lý, cấu trúc đất sẽ được cải thiện, tăng khả năng giữ nước hữu dụng và giảm xói mòn đất.
- Phân xanh là loại phân bón được sử dụng từ sinh khối tươi của thực vật, được vùi trực tiếp vào trong đất, hay được ủ với các vật liệu khác như là một loại phân ủ hữu cơ.
- Phân vi sinh là loại phân bón chứa các vi sinh vật hữu ích với mật số cao. Khi bón vào đất vi sinh vật sẽ phát triển và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong đất theo chiều hướng có lợi cho sự hấp thu của cây trồng. Các loại phân vi sinh phổ biến hiện nay chủ yếu là các loại phân chứa vi sinh vật cố định N, vi sinh hòa tan P trong đất.
Vai trò của phân hữu cơ đối với đất và cây trồng
Xem thêm: Bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng
Cải thiện các tính chất vật lý của đất
Phân hữu cơ được tạo ra từ quá trình xử lý các loại vật liệu hữu cơ. Đây là những vật liều có hàm lượng chất hữu cơ cao.
Khi bón nhiều phân hữu cơ cấu trúc đất tốt hơn, do tơi xốp, các đoàn lạp bền vững hơn.
Tăng cường hoạt động của vi sinh vật đất
Phân hữu cơ chứa chất hữu cơ dồi dào. Đây là nguồn cung cấp năng lượng và thức ăn chính cho vi sinh vật đất. Ngoài ra, trong phân hữu cơ còn có các chủng vi sinh vật có lợi cho cây trồng và hệ sinh thái.
Cải thiện khả năng giữ nước
Tăng cường khả năng giữ nước hữu dụng của đất, do cấu trúc đất thông thoáng hơn.
Giảm xói mòn đất
Giảm xói mòn đất nhờ các đoàn lạp được liên kết chặt hơn, ít bị phá khi chịu tác động của mưa.
Ảnh hưởng đến các tính chất hóa học của đất
Thành phần hóa học trong chất hữu cơ luôn chứa các chất dinh dưỡng tối cần thiết cho cây trồng. Nên phân hữu cơ cung cấp các chất dinh dưỡng từ sự phân giải mùn và làm tăng khả năng hòa tan các chất khoáng trong đất.
Sử dụng phân hữu cơ sẽ làm tăng hiệu quả của các loại phân bón vô cơ khác.
Tăng cường khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng bởi humic acids, hình thành các chelate, cố định các chất dinh dưỡng trong các phức chất hữu cơ (chỉ cố định trong một thời gian nhất định).
Ảnh hưởng đến sự hình thành các chất điều hòa sinh trưởng trong đất. Ví dụ như sự tích lũy các chất sinh trưởng ức chế trong hệ thống canh tác độc canh, và các chất kháng sinh chống lại một số bệnh do vi khuẩn.
Tào liệu tham khảo: Giáo trình độ phì và phân bón (Lê Văn Dũ – 2009) – khoa Nông học- Trường đại học Nông Lâm Tp.HCM.
Với những ưu điểm của phân hữu cơ, chúng ta có thể thấy đây là một loại phân vô cùng tiềm năng cho canh tác hữu cơ. Hy vọng với những chia sẻ của phanvisinh.vn sẽ giúp các bạn hiểu hơn về loại phân bón này. Từ đó biết sử dụng đúng cách để ứng dụng và mang về hiệu quả và năng suất cây trồng cao nhất.