Chắc hẳn nhiều bạn thắc mắc, cây trồng lấy chất dinh dưỡng như thế nào? Có phải toàn bộ phân bón chúng ta bón cho cây đều được cây hấp thu? Sau đây, phanvisinh.vn sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng nhé!
Cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cây hấp thu dinh dưỡng chủ yếu qua hai bộ phận chính là rễ và lá.
Cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng qua rễ
Rễ cây chỉ hút được các loại muối khoáng hòa tan trong nước. Chất khoáng muốn đi vào cây thì trước hết phải được hấp phụ trên bề mặt rễ và sau đó ion khoáng đi qua chất nguyên sinh để vào trong tế bào. Từ đó, dinh dưỡng khoáng sẽ được vận chuyển từ tế bào này qua tế bào khác rồi đến tất cả các bộ phận của cây.
Hấp thu thụ động do chênh lệch nồng độ các chất
Rễ cây hút các chất khoáng ít nhiều mang tính thụ động dựa trên quá trình khuếch tán, thẩm thấu, bám hút, trao đổi, quá trình phân phối theo cân bằng Donnan…
Đây là cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng thụ động không có tính chọn lọc. Cơ chế này không phụ thuộc vào nhu cầu, hoạt động sinh lý, thời kì sinh trưởng của cây trồng. Sở dĩ các ion khoáng có thể đi vào trong cây là do chênh lệch nồng độ các chất trong tế bào và ngoài môi trường.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thừa các nguyên tố khoáng trong cây.
Phương thức trao đổi chất khoáng của rễ trong đất
Cơ chế này liên quan đến quá trình trao đổi chất của tế bào. Các ion khoáng muốn đi vào cây thì trước tiên chúng phải được hấp phụ trên bề mặt rễ. Sau đó, ion khoáng vào cây theo phương thức trao đổi ion giữa đất và lông hút.
Trong quá trình hô hấp của rễ thì CO2 được sinh ra. CO2 kết hợp với nước tạo ra H2CO3. Đây là một acid yếu nên nó sẽ phân ly ngay trên bề mặt rễ.
Ion H+ của rễ làm nguyên liệu để trao đổi với các cation. Ion HCO3– thì trao đổi với các anion trong đất. Sự trao đổi ion giữa rễ và đất theo đúng hóa trị và đương lượng của các ion.
Sự trao đổi ion giữa rễ và đất được thực hiện theo phương thức trực tiếp (trao đổi tiếp xúc) hay gián tiếp qua dung dịch đất.
Xem thêm: Phân hữu cơ gồm những loại nào, Ưu nhược điểm của từng loại
Vận chuyển chất khoáng trong cây
Vận chuyển trong các tế bào
Chất khoáng được vận chuyển trong tế bào sống từ lông hút đến mạch dẫn. Có 2 con đường vận chuyển:
- Các chất khoáng hòa tan trong nước và đi trong hệ thống mao quản của thành tế bào.
- Vận chuyển theo hệ thống chất nguyên sinh qua các sợi liên bào, nối các tế bào với nhau.
Vận chuyển trong mạch xylem (mạch gỗ)
Các chất khoáng hòa tan trong nước rồi đi vào mạch gỗ đến các bộ phận cần thiết. Quá trình thoát hơi nước ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển chất khoáng trong mạch gỗ.
Vận chuyển trong mạch libe (mạch rây)
Một số ion cũng có thể được tách ra từ tế bào nhu mô, mạch gỗ. Các ion này vào hệ thống chất đồng hóa – hệ thống mạch libe. Chúng cùng tham gia với chất đồng hóa phân phối đến các bộ phận của cây.
Cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng qua lá
Cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng vào lá qua khí khổng. Ngoài ra, dinh dưỡng cũng thẩm thấu qua lớp cutin mỏng. Chất khoáng xâm nhập vào cây qua lá phụ thuộc vào các điều kiện sau:
- Thành phần, nồng độ, pH của dung dịch khoáng
- Tuổi lá: dinh dưỡng dễ dàng xâm nhập vào lá non hơn lá già. Các lá già có lớp cutin dày, dinh dưỡng chỉ đi qua khí khổng.
- Kích thước hạt mang chất dinh dưỡng. Ngày nay, với công nghệ nano, các chất dinh dưỡng được hấp thu qua lá tốt hơn.
Các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng sự hấp thu dinh dưỡng của cây
Nhiệt độ
Nhiệt độ ảnh hưởng đến cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng hút khoáng chủ động và thụ động. Sự khuếch tự do bị động của các chất khoáng từ đất vào rễ cây phụ thuộc vào nhiệt độ. Nhiệt độ càng thấp thì tốc độ khuếch tán càng giảm. Nhiệt độ thấp cũng làm hô hấp rễ giảm.
Độ pH của dung dịch đất ảnh hưởng đến sự hấp thu chất khoáng của rễ. Mỗi giống cây trồng thích hợp ở một độ pH nhất định. Khoảng pH từ 6 – 7 thích hợp cho nhiều loại cây trồng.
Nồng độ O2 trong đất
Nồng độ O2 trong đất giảm xuống 10% giảm sự hút khoáng. O2 dưới 5% cây chuyển sang hô hấp yếm khí, có hại cho cây.
Khi bón phân để tăng hiệu quả sử dụng, người ta còn kết hợp với các biện pháp xới, làm tơi đất.
Xem thêm: Kỹ thuật bón thúc và bón lót cho cây trồng
Tài liệu tham khảo: Cẩm nang cây trồng, Sinh lý thực vật
Trên đây là các vấn đề liên quan đến cơ chế hút chất dinh dưỡng của cây trồng. Hi vọng, với bài viết này phanvisinh.vn sẽ giúp các bạn áp dụng các kỹ thuật thích hợp cho vườn cây của mình.